Cuối năm 2023, Việt Nam chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB) 10,3 triệu tấn CO2 với đơn giá 5 USD/tấn và thu về 51,5 triệu USD. Đây là khoản tiền đầu tiên mà Việt Nam nhận được từ bán tín chỉ carbon rừng. Ngay sau đó, các chủ rừng ở một số địa phương đã được chia tiền tín chỉ carbon này.

Bán tín chỉ carbon rừng: Khách muốn mua giá rất cao nhưng chưa bán được

Bán tín chỉ carbon rừng: Khách muốn mua giá rất cao nhưng chưa bán được

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), thời gian qua, một số địa phương đã nhận được đề nghị của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến tìm hiểu và đề xuất triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng (dịch vụ carbon rừng), bao gồm việc đo đạc, báo cáo, thẩm định, phát hành và thương mại tín chỉ carbon rừng. Tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa đã đề xuất xây dựng và triển khai Đề án thí điểm đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

Chia sẻ tại tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” mới đây TS Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết, giá tín chỉ carbon rất “nóng”, nhưng quá trình làm chính sách lại rất gian nan.

Việc tiến hành đo tín chỉ carbon rừng thuộc sở hữu của CODE vẫn đang được tiến hành. Đơn vị này vừa thực hiện đo bằng máy, vừa đo thủ công để so sánh kết quả.

“Nếu đo thủ công, mỗi 1ha rừng chi phí hết 178 triệu đồng, nhân lên với 500ha mà chúng tôi đang sở hữu vô cùng tốn kém”, ông nói.

Sau này, CODE đã nhờ chuyên gia nước ngoài tham gia hoạch định vì có rất nhiều công việc phải làm. Ví như chọn mẫu theo hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn, đo rừng lẫn tre thì làm thế nào (rừng lẫn tre có carbon cao nhất), làm thế nào để đo sinh khối khác (chỉ có máy mới đo được rễ và cành ngọn). Sắp tới có kết quả, CODE sẽ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, Chính phủ.

TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, với CODE trồng rừng là công việc có tính chất nghiên cứu khoa học nhưng cũng là làm ăn có lãi (khoảng 2 triệu USD/năm).

“Khi bắt đầu, chúng tôi cố tình lựa chọn khu rừng bị tàn phá nặng nề để phục hồi sinh quyển. Đến nay, khu rừng này đã khôi phục được hiện trạng của rừng mưa nhiệt đới với sự trở lại của chim chóc và muông thú. Mười mấy ngàn cây gỗ lim phát triển tốt. Tất cả những gì rơi từ cây xuống, chúng tôi lại đưa vào vườn ươm, trồng lại”, ông Nghĩa chia sẻ.

Vị viện trưởng nhớ lại chuyện các nhà khoa học từ Pháp và Hà Lan ngỏ lời tới CODE để nghiên cứu sinh quyển Đông Nam Á và mua tín chỉ carbon.

“Ban đầu, chúng tôi mua tới 11 căn nhà sàn cổ và nhà thờ đá để làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, theo lời đề nghị mua tín chỉ carbon, chúng tôi đã chuyển từ làm du lịch sinh thái sang làm rừng”, TS Lê Xuân Nghĩa thuật lại quá trình phát triển tài chính carbon.

Trong quá trình thực hiện, CODE đã “dứt khoát đấu tranh” để bà con có sổ đỏ, qua đó giúp họ bán được carbon.

Trả giá cao vẫn không mua được vì kẹt thủ tục

Chia sẻ về những vướng mắc trong quá trình phát triển tài chính carbon, theo TS Lê Xuân Nghĩa, đầu tiên là quy định pháp lý về sở hữu carbon.

“Rừng thuộc sở hữu của nhà nước, vậy carbon có thuộc sở hữu của nhà nước không? Sau khi 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán tín chỉ carbon rừng cho WB, tiền được tính cho bà con. Nhưng điều này lại không phù hợp với quy định rừng của nhà nước”, ông Nghĩa đặt vấn đề.

Bán tín chỉ carbon rừng: Khách muốn mua giá rất cao nhưng chưa bán được

Bán tín chỉ carbon rừng: Khách muốn mua giá rất cao nhưng chưa bán được

Liên quan đến việc triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon, TS Lê Xuân Nghĩa chỉ ra rằng, khi bán tín chỉ carbon liên tỉnh, Bộ NN-PTNT là đơn vị đứng ra bán. Tuy nhiên, khi bán riêng lẻ thì của tỉnh nào tỉnh đó bán. Bán như vậy chưa thể mang lên sàn giao dịch, bởi khi lên sàn cần phải có mã và mã phải có chủ.

Do đó, CODE đang đề nghị sửa đổi Nghị định 06 để có thể sớm đưa tín chỉ carbon lên sàn giao dịch.

Thứ hai là vấn đề giá carbon. Giá carbon đang rất “nóng”, CODE đã đàm phán được mức 30 USD/tín chỉ nhưng cũng gặp khó về thủ tục nên chưa thể bán.

Ông Nghĩa nhắc lại lần đầu tiên bán tín chỉ carbon rừng cho WB với giá 5 USD/tấn, là khá cao và WB đã tặng lại cho Việt Nam tới 95% giá trị để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) theo cam kết lộ trình Net Zero vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành đàm phán về việc chuyển nhượng 5,15 triệu tín chỉ carbon rừng của 11 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo phương thức mua và tặng lại để Việt Nam đóng góp NDC với giá 10 USD/tấn; trường hợp Việt Nam muốn bán đứt thì 20 USD/năm. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT muốn nâng giá cao hơn hoặc bán có thời hạn (3-5 năm).

Vướng mắc thứ ba, chúng ta bán 10,3 triệu tín chỉ carbon nhưng vẫn còn 4,9 triệu tấn bị “kẹt”. Nhiều doanh nghiệp liên hệ CODE đứng ra giúp họ mua, mặc dù số tín chỉ này chỉ còn hạn trong vòng 17 tháng. Tuy nhiên, khi làm việc với Bộ NN-PTNT thì chưa bán được vì còn phải thực hiện nhiều quy trình liên quan.

Theo đó, muốn bán phải đấu giá, có cơ quan giám sát, có người xây dựng hồ sơ kỹ thuật, tham vấn ý kiến các bộ ngành… “Không biết có bán được 4,9 triệu tín chỉ carbon này trước khi hết hạn không. Tiền từ bên ngoài rất nhiều nhưng chúng ta thiếu cơ chế để tiếp cận”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.