Chuyên gia: Cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ

Với xu hướng yêu cầu sản xuất "xanh", TS Phạm Văn Đại, giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ.

Sàn giao dịch cacbon sẽ được vận hành vào năm 2028

Tại hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon – Động lực xây dựng Việt Nam xanh”, ông Nguyễn Văn Minh, trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho biết tín chỉ carbon thường chỉ giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện, giá chỉ khoảng 1-2 USD/tín chỉ.

Còn hạn ngạch carbon được hiểu là doanh nghiệp được phân giao một hạn mức giảm phát thải nhất định, và doanh nghiệp phải mua hạn ngạch để bù trừ vào.

Chuyên gia: Cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ
Sàn giao dịch cacbon sẽ được vận hành vào năm 2028.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp sản xuất phải giảm phát thải 1.000 tấn CO2 (quy đổi ra 1.000 tín chỉ) mỗi năm. Nếu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thải carbon trong sản xuất để giảm được 800 tín chỉ, họ cần mua thêm 200 tín chỉ nữa (từ đơn vị trung gian) để bù lại. Việc mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp này chính là thị trường bắt buộc. Lúc đó giá sẽ rất cao, lên đến hàng trăm USD/tín chỉ.

Hiện trên thế giới có 70 quốc gia tham gia vào thị trường này, Việt Nam tham gia từ giữa năm 2000, trên thị trường tự nguyện. Còn việc phân giao hạn ngạch hiện chỉ đang ở bước xây dựng danh mục các doanh nghiệp thực hiện báo cáo kiểm kê, sau đó mới có tính toán và phân giao hạn ngạch.

Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến vận hành chính thức vào năm 2028. Giai đoạn đến hết năm 2027 là xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Đây cũng là giai đoạn triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon”, ông Minh nói.

Vì sao không tích trữ tín chỉ carbon

Trước kết quả Việt Nam đã thu được 1.250 tỷ đồng từ tín chỉ carbon, một số doanh nghiệp đặt vấn đề “vì sao không ‘tích trữ’ tín chỉ carbon để dành bán giá cao ở những thời điểm tốt hơn và liệu rằng có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt khi chúng ta đang bán cho nước ngoài?”.

Chuyên gia: Cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ
“Cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ”.

Ông Minh lý giải tín chỉ carbon có thời hạn sử dụng, không phải là hạn sử dụng mãi mãi. Vì thế, thời điểm này phù hợp chưa chắc sử dụng được cho thời điểm sau đó.

Ví dụ, trên thế giới, giai đoạn 2008-2012, giá tín chỉ carbon lên đến 30 USD/tín chỉ. Tuy nhiên giai đoạn 2013-2020 là giai đoạn “khoảng trống” khi nhiều quốc gia không tham gia cam kết về giảm phát thải vì cho rằng quốc gia này làm, quốc gia khác không làm là bất công bằng. Điều này kéo theo giá tín chỉ carbon giảm mạnh, chỉ còn vài USD.

Còn tại Việt Nam, giai đoạn 2008-2013, có dự án đạt tín chỉ carbon, giá cao nhưng tích trữ lại và không bán. Sau đó giá tín chỉ carbon rớt mạnh, đến nay đơn vị bán vẫn còn để tín chỉ trên hệ thống lưu ký, tiền lấy tín chỉ này về cao hơn cả tiền bán tín chỉ carbon và cũng đã hết thời hạn cam kết.

Để đạt hiệu quả trên thị trường carbon, ông Minh cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon; tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính…

Khẳng định các “ông lớn” trên thế giới đã đi trước, đó là bài học cho chúng ta, ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động cải tiến công nghệ, thay đổi cách làm để giảm phát thải và không nên chờ đến khi có quy định, chế tài mới thực hiện.

Nhìn ở góc độ tín chỉ carbon rừng là cuộc chơi quy mô lớn của các đại gia, bởi tiêu chuẩn về hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định… đòi hỏi kinh phí rất lớn. Các giao dịch không chỉ đo từng héc ta rừng mà còn phải đo lường giám sát cả vài trăm héc ta rừng, TS Phạm Văn Đại, giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright nhận định, “cuộc chơi” này phụ thuộc vào nhiều người mua hơn người bán, và để trở thành một thị trường thực sự vẫn cần các quy định cụ thể, chính xác trong bối cảnh vẫn còn nhiều rủi ro.

Với xu hướng yêu cầu sản xuất “xanh”, ông Đại cho rằng, Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ.

Ngoài ra, cũng cần xem xét hình thành “Quỹ dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam” để sau này, khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao.

Bình luận

*

  • Mới nhất
  • Đọc nhiều nhất
Biến việc thực hành ESG thành công cụ xây dựng thương hiệu bền vững

BẠN ĐỌC HỎI - BẠN ĐỌC TRẢ LỜI