Cô gái phía sau những món ăn đẹp mắt trong loạt phim đình đám
“Food stylist” là công việc dành cho những người có đam mê với đồ ăn nhưng không phải đầu bếp, đặc biệt họ phải là người có gu thẩm mỹ cao.
Trong cuốn sách “Five Star Kitchen Waste” của tác giả Anna Lee (Đài Loan), cô giúp mọi người có cái nhìn rõ hơn về công việc mang tên “food stylist” (nhà tạo mẫu đồ ăn).
Anna Lee tốt nghiệp khoa Điện ảnh của trường Đại học Nghệ thuật Đài Loan. Sau đó, cô bén duyên với công việc food stylist và trở thành người đứng sau nhiều món ăn trong các bộ phim nổi tiếng trên thế giới. Dần dần mọi người bắt đầu chú ý tới hình thức hấp dẫn của các món ăn qua ống kính máy ảnh hơn.
Công việc của “food stylist” là gì?
Nếu bạn tới một nhà hàng, muốn chụp một bức ảnh đẹp về đồ ăn để đăng tải lên trang cá nhân của mình, có thể sau một lúc loay hoay tìm bố cục, góc chụp, chỉnh sửa màu sắc sẽ khiến cho món súp của bạn nguội tanh, sợi mì ngâm trong nước nở trương ra.
Do đó, các bộ phim Hollywood và các chương trình quảng cáo quy mô lớn đều yêu cầu cao đối với các “food stylist”. Họ phải đảm bảo đồ ăn trước máy quay ở trạng thái hoàn hảo nhất, thậm chí thiết kế để các diễn viên thực sự ăn những đạo cụ là đồ ăn này trong những tình huống đặc biệt.
Giống như diễn viên, họ cần nghiên cứu kịch bản, hoàn cảnh lịch sử, phối hợp chặt chẽ với ê-kíp sản xuất, cuối cùng chuẩn bị đồ ăn sao cho đẹp nhất trước ống kính.
Ngoài việc chuẩn bị một số lượng lớn đạo cụ đồ ăn để đề phòng khả năng xảy ra sai sót, một điều thú vị nữa là các “food stylist” cần cân nhắc chi phí, nếu quay phim dài ngày, đồ ăn phải được chuẩn bị liên tục trong tình trạng ngon nhất.
Những món ăn là đạo cụ trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình
Ngoài ra, Anna cũng là người cũng từng hợp tác với đạo diễn nổi tiếng thế giới Ang Lee (Lý An) trong phim “cuộc đời của Pi”. Trong phân cảnh chàng trai này lưu lạc vào một hòn đảo kỳ lạ, sống sót nhờ ăn một loại rễ cây đặc biệt. Anna đã sử dụng cây ngưu bàng và khoai mỡ để tạo hình rễ cây, sau cùng rắc bột nori lên làm rêu, tạo thành hình ảnh trên màn hình sống động như thật.
Ngoài việc chuẩn bị đạo cụ đồ ăn, food stylist còn có thể trở thành giám đốc nghệ thuật trong các tác phẩm video. Họ cần biết về các nguyên tắc giải phẫu sinh học, từng chi tiết của món ăn phải chân thực và sống động nhất.
Anna cho biết thực ra làm những đạo cụ đồ ăn này không khó, cái khó là chúng phải ăn được và ngon mắt. Một trong những điều khó khăn đối với cô là chế độ ăn uống đặc biệt của một số diễn viên, chẳng hạn như họ yêu cầu ăn chay, không chứa gluten, không dung nạp lactose, không dầu, không đường và không chứa tinh bột.
Sau khi loại trừ được những điều “chống chỉ định này”, Anna đã nhiều lần đáp ứng thành công nhu cầu của nhiều nhà sản xuất và đạo diễn trong số ít lựa chọn thực phẩm còn lại. Thậm chí cô còn khiến các nữ diễn viên mê mẩn món súp đậu lăng làm đạo cụ.
Cuốn sách của Anna vấp phải không ít trái chiều nhưng trên hết đó là một câu chuyện đầy cảm hứng về một cô gái châu Á 25 tuổi làm nên tên tuổi ở Hollywood, trở thành một nhà tạo mẫu ẩm thực có tiếng.
Công việc “food stylist” đòi hỏi rất nhiều thứ và phải đánh đổi nhiều điều. Đằng sau một đạo cụ đồ ăn hấp dẫn trên sóng truyền hình, hay một bức ảnh đẹp là cả một sự cố gắng rất lớn. Không thể phủ nhận rằng, công việc này ngày càng thu hút nhiều bạn trở dấn thân vào. Đối với những công việc kỳ lạ như thế này, bạn cần phải tự học rất nhiều thứ nhưng đổi lại đó là một nghề đầy sáng tạo và hấp dẫn.