Đoàn phim tìm người đóng Nam Phương hoàng hậu

Êkíp phim "Hoàng hậu cuối cùng" tuyển diễn viên chính khắc họa chuyện tình hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại.

Ông Bảo Nhân – một trong hai đạo diễn dự án điện ảnh đầu tiên về Nam Phương hoàng hậu – cho biết vai hoàng hậu là một trong những thách thức lớn của êkíp. Khi nghiên cứu tư liệu, êkíp đặt tiêu chí diễn viên phải thể hiện được khí chất, trí tuệ cùng nét đẹp dịu dàng của hoàng hậu, khi còn là tiểu thư gia giáo đến lúc đảm nhận chánh vị trung cung – được xem là “bậc mẫu nghi thiên hạ” ở triều đại phong kiến.

“Diễn viên không nhất thiết phải là tên tuổi nổi tiếng. Chúng tôi ưu tiên các gương mặt hợp vai, đáp ứng được các yêu cầu kịch bản”, đạo diễn Bảo Nhân nói.

Nam Phương hoàng hậu thuở đôi mươi. Ảnh: LIllustration

Nam Phương hoàng hậu thuở đôi mươi. Ảnh: L’Illustration

Phim sẽ tái hiện cuộc đời hoàng hậu, từ cuộc hôn nhân nhiều cung bậc cảm xúc cùng Bảo Đại đến giai đoạn hoàng gia rời khỏi Đại nội, bắt đầu một cuộc sống lặng lẽ. Vai nam chính – vua Bảo Đại – được yêu cầu phải toát lên vẻ ngoài điềm đạm, tính phóng khoáng, có phần đa tình.

Ngoài đôi nhân vật chính, đoàn phim còn tuyển nhiều vai khác như thái tử Bảo Long, thứ phi Mộng Điệp, Phi Ánh, Lý Lệ Hà, Bạch Yến, Khuê Các, Vĩnh Cẩn. Quá trình casting trực tuyến kéo dài hơn một tháng, sau đó các ứng viên được chọn tiếp tục thử vai trực tiếp với đạo diễn (dự kiến trong tháng 9). Diễn viên được đào tạo diễn xuất, kỹ năng lễ nghi cung đình suốt 9-10 tháng đến ngày khởi quay.

Nam Phương hoàng hậu mặc áo dài. Ảnh: Bảo tàng Hamburg

Nam Phương hoàng hậu mặc áo dài. Ảnh: Bảo tàng Hamburg

Kịch bản lấy cảm hứng từ Tình sử Nam Phương hoàng hậu – tiểu thuyết của nhà văn Trần Thị Hảo. Đạo diễn Bảo Nhân, Nam Cito ấp ủ ý tưởng làm phim 5 năm trước để nghiên cứu, thu thập dữ liệu. Êkíp cho biết dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, tạo điều kiện quay phần lớn thời lượng ở quần thể di tích Huế. Điện Kiến Trung – nơi ăn ở, làm việc của vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương cùng các hoàng tử, công chúa – được chọn làm bối cảnh chính.

Phim dự kiến bấm máy năm 2025 tại Huế, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, TP HCM và vùng Chabrignac (Pháp) – nơi hoàng hậu sống những ngày cuối đời.

Nam Phương hoàng hậu (1913-1963) tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh tại Sài Gòn, con ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bính, thuộc một gia đình điền chủ giàu có. Năm 18 tuổi, bà và vua Bảo Đại gặp nhau lần đầu tại Đà Lạt. Ông chọn bà là người sát cánh trên cương vị “Đại Nam thiên tử” vì bà vốn dung mạo hơn người, tính hạnh thuần hậu, thuộc gia đình trâm anh, có học thức.

Đạo diễn Bảo Nhân (trái) và Nam Cito bên nhà văn Trần Thị Hảo - tác giả Tình sử Nam Phương hoàng hậu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đạo diễn Bảo Nhân (trái) và Nam Cito bên nhà văn Trần Thị Hảo – tác giả “Tình sử Nam Phương hoàng hậu”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo sách Nam Phương hoàng hậu: Vị Quốc mẫu tân thời qua tư liệu báo chí (tác giả Tử Yếng Lương Hoài Trọng Tính), suốt khoảng thời gian tại vị, hoàng hậu ảnh hưởng lớn đến công cuộc trị vì, góp phần giúp đỡ người dân lúc bấy giờ. Bằng học thức và tài năng, Nam Phương hoàng hậu hỗ trợ hoàng đế trong công việc và đời sống. Nếu Bảo Đại lo chính trị, hoàng hậu giữ vai trò là một quốc mẫu với công tác từ thiện xã hội. Dù tại vị chỉ hơn 10 năm, sự nghiệp của bà bao trùm trên nhiều mặt. Bà trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào phụ nữ dấn thân vào xã hội, học tập, làm việc và phát triển bản thân.

Đạo diễn Bảo Nhân, Nam Cito làm phim từ năm 2016, nổi tiếng với loạt phim điện ảnh Gái già lắm chiêu. Phần ba – kể về cuộc chiến mẹ chồng và nàng dâu, do nghệ sĩ Lê Khanh, Lan Ngọc đóng, ra mắt năm 2021 – đạt 165 tỷ đồng, vào top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời thời điểm đó. Năm 2022, đôi đạo diễn ra mắt Cô gái từ quá khứ – Lan Ngọc, Kaity Nguyễn đóng chính, doanh thu 53 tỷ đồng.

Theo VNE

Bình luận

*

  • Mới nhất
  • Đọc nhiều nhất
Biến việc thực hành ESG thành công cụ xây dựng thương hiệu bền vững

BẠN ĐỌC HỎI - BẠN ĐỌC TRẢ LỜI