Doanh nghiệp thực hành ESG để phát triển du lịch bền vững
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com khảo sát 33.000 du khách trên toàn cầu cho thấy 80% du khách khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng. Khảo sát của YouGov tại 11 quốc gia cũng thông tin: 34% du khách “muốn du lịch bền vững hơn”...
Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG đang ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng. Trong du lịch, thực hành ESG hướng đến ba trụ cột chính, bao gồm: Môi trường (Environmental) – hướng đến tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; Xã hội (Social) – góp phần đảm bảo công bằng xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương, tạo ra việc làm và cải thiện đời sống cộng đồng; Quản trị (Governance) – xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh.
TỪ THẾ GIỚI ĐẾN VIỆT NAM
Tại Hàn Quốc, nhiều điểm đến đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững ESG. “Gần đây tiêu chuẩn ESG đã được thành phố Busan đặt ra và cũng đang được áp dụng trong các kế hoạch xúc tiến du lịch của chúng tôi. Chúng tôi đang nỗ lực tuân theo tiêu chuẩn này trên mọi phương diện như tạo ra các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, chuyến đi không carbon, hay đẩy mạnh các hình thức du lịch sinh thái”, ông Moon Young Bae, Trưởng phòng Marketing Toàn Cầu, Cục Xúc tiến du lịch Busan, thông tin.
Theo báo cáo của Phòng thí nghiệm ESG thuộc Đại học quốc gia Moskva (MGU) năm 2023, phát triển du lịch theo nguyên tắc ESG đang được thực hiện rộng khắp ở nước Nga, từ các thành phố du lịch chính như Saint Petersburg, Moskva, đến những vùng xa xôi ít được nhắc đến trên bản đồ du lịch như Murmansk, Tatarstan. Theo báo cáo, có đến một nửa số đơn vị du lịch Nga được thăm dò ý kiến đã nhắm đến phát triển các đặc tính ESG.
“Trên bình diện quốc tế, chúng tôi thấy người tiêu dùng bắt đầu phân biệt xem các doanh nghiệp lữ hành hoặc dịch vụ khách sạn có hoạt động theo định hướng ESG hay không. Do đó, điều quan trọng đối với một điểm đến, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ESG, vì du lịch và lưu trú gần như là nền tảng của kinh tế địa phương”, giáo sư Ismail Erturk, Đại học Manchester (UoM), cho biết.
Nắm bắt về nhu cầu trách nhiệm và xu thế bền vững trên thế giới, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng định hướng việc tập trung phát triển kinh doanh bền vững là chiến lược toàn diện. Là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được chứng nhận Travelife Partner – chứng nhận quốc tế về phát triển du lịch bền vững, ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết phát triển bền vững không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là cốt lõi, tầm nhìn và giá trị của công ty.
Tương tự, Công ty Vietluxtour đã triển khai chương trình cam kết ESG, qua đó khuyến khích khách hàng doanh nghiệp đồng thuận cùng tổ chức chương trình ESG trên tour như du lịch kết hợp hoạt động trồng cây, vệ sinh môi trường, hoạt động thiện nguyện… Đất Việt tour cũng đang nỗ lực phát triển các sản phẩm về xu hướng du lịch xanh, tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, hướng đến trải nghiệm của khách hàng kết hợp bảo vệ môi trường như không xả rác, hạn chế dùng túi nilon và đồ nhựa, nhặt rác tại những nơi đoàn tham quan…
Trong lĩnh vực khách sạn, Thien Minh Group (TMG) được cấp chứng chỉ là địa chỉ lưu trú xanh thế giới Travelife Gold cho toàn bộ hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng thành viên tại Việt Nam và Lào. Tại Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An, liên doanh của Tập đoàn Thiên Minh và Tập đoàn TUI, ESG đã trở thành tiêu chí không thể thiếu trong các hoạt động vận hành. Ông Anton Bespalov, Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng TUI Blue Nam Hội An, cho biết thực hành ESG khiến doanh nghiệp tiêu tốn thêm một khoản chi phí tương đối. Tuy nhiên, về lâu dài, phát triển bền vững sẽ trở thành một lợi thế to lớn, đặc biệt khi xu thế du lịch xanh, du lịch bền vững gắn với cộng đồng đang “lên ngôi”…