Khoảng 375 triệu đô la hỗ trợ hạ tầng cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL
Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến cần khoảng 375 triệu đô la Mỹ, tương đương 8.968 tỉ đồng.
Ngày 19-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị về tham vấn dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo TTXVN. Đây là nội dung được đề xuất dựa trên việc thực hiện đề án 1 triệu hecta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Chính phủ.
Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, được triển khai ở 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (trừ Bến Tre). Thời gian thực hiện từ năm 2026-2031. Giai đoạn chuẩn bị dự án trong hai năm 2024 và 2025.
Tổng chi phí để thực hiện dự kiến khoảng 375 triệu đô la Mỹ, tương đương 8.968 tỉ đồng. Trong đó, 360 triệu đô la từ khoản vay Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu đô la là vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.
Trong đó, hợp phần 1 của dự án chiếm 350 triệu đô la sẽ tài trợ cho cơ sở hạ tầng công cộng cần thiết. Hợp phần này sẽ hỗ trợ chuỗi giá trị gạo carbon thấp từ giai đoạn sản xuất ban đầu đến chế biến, tiếp thị nhằm mục tiêu đạt diện tích 500.000 hecta lúa ở 12 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
Các gói đầu tư được triển khai như nâng cấp hệ thống thuỷ lợi để cải tạo quản lý nước và hiệu quả sử dụng nước; hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số thông qua quản lý nước, cây trồng và dịch hại dựa trên IOT để cải thiện việc lưu trữ nước, năng suất cây trồng, độ tin cậy và sự tiện lợi của hệ thống, giảm chi phí lao động và tăng lợi nhuận…
Hai hợp phần còn lại gồm hợp phần phát triển và chuyển giao kỹ thuật khoảng 20 triệu đô la và quản lý dự án khoảng 5 triệu đô la.
Qua trao đổi giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương, tháng 5-2025, Ngân hàng Thế giới sẽ phê duyệt dự án này.
Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp, chất lượng cao tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Những chỉ số đo lường như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.