Phải chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon
hiều ông lớn đã đến Việt Nam mua tín chỉ carbon thông qua các định chế tài chính, trong khi việc giảm phát thải với các doanh nghiệp Việt là yêu cầu không xa trong cuộc chơi toàn cầu.
Nếu đợi “nước đến chân mới nhảy”, DN Việt có nguy cơ chậm chân và phải trả một cái giá đắt, thậm chí đối diện với nguy cơ sống còn trước những “hàng rào xanh”.
Nhiều “ông lớn” hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon, giảm phát thải
Toàn cầu đang trải qua những biến đổi khí hậu tiêu cực chưa từng thấy trong lịch sử khi nhiệt độ tăng kỷ lục, lên 1,35°C so với mức trung bình (Báo cáo khí hậu toàn cầu năm 2024).
Các giải pháp chuyển đổi xanh và tín chỉ carbon đang ngày càng được các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế thúc đẩy triển khai nhanh.
Như Microsoft đã có những nỗ lực giảm phát thải trên quy mô toàn cầu lẫn chủ động trên thị trường tín chỉ carbon. Họ hỗ trợ sâu trong thị trường tín chỉ carbon tại Brazil.
Tetra Pak cũng đã đặt mục tiêu tạo ra một chuỗi giá trị sau tiêu thụ hoàn toàn tuần hoàn, từ việc thu thập, sắp xếp và tái chế giấy từ bao bì thức uống đã sử dụng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành này đang phát thải 5 triệu tấn CO2 mỗi năm hay ngành thép Việt Nam đang có mức phát thải cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu.
Trên thế giới, ngành sản xuất thép hiện chiếm từ 7 – 9% lượng khí thải toàn cầu, trong khi tỉ lệ này tại Việt Nam là 17%. Ngay tại TP.HCM, nhiều DN hàng đầu trong các lĩnh vực công nghiệp chủ lực đã bị giám sát, kiểm kê phát thải đến từng chiếc máy.
Thậm chí, các nhà nhập khẩu buộc các doanh nghiệp sản xuất Việt phải cam kết giảm phát thải từng năm, có lộ trình rõ ràng và nếu không đáp ứng buộc phải rời khỏi chuỗi cung ứng, rút lui khỏi cuộc chơi toàn cầu.
Chậm chân sẽ phải trả giá đắt
Với xu hướng trên, doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam nói riêng phải chủ động giảm phát thải.
Trong đó, doanh nghiệp cần có giải pháp chuyển đổi xanh cho từng ngành nghề và tham gia thị trường tín chỉ carbon phù hợp. Điều này không chỉ vấn đề sống còn của các doanh nghiệp sản xuất mà còn hướng đến bảo vệ sức khỏe cho người dân địa phương.
Theo một nghiên cứu, những cải thiện về chất lượng không khí do giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu sẽ mang lại lợi ích cuối cùng cho sức khỏe con người và ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế.
Trong khi đó, những đô thị lớn cũng là những nơi có nhiều nhà máy sản xuất như khu vực Hà Nội, TP.HCM lại luôn đối diện với tình trạng ô nhiễm không khí.
Nếu không chủ động thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tín chỉ carbon nhanh chóng, ngoài những chi phí đến từ các chính sách đã và sẽ được ban hành, các DN sẽ phải trả một cái giá đắt hơn cho chính môi trường và sức khỏe nơi mình đang sinh sống.
Không để doanh nghiệp Việt thiệt thòi
Chỉ doanh nghiệp chủ động thôi là chưa đủ, cần có sự đồng hành và trợ lực từ Nhà nước và các định chế tài chính.
Trong đó, như đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ trong hội thảo của báo Tuổi Trẻ vào ngày 20-4, cần sớm có hành lang pháp lý cho mua bán tín chỉ carbon, đảm bảo cho các doanh nghiệp Việt không thiệt thòi khi tham gia thị trường.
Bên cạnh đó, Nhà nước sớm có các chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, từ đào tạo, giới thiệu các mô hình, giải pháp hiệu quả hoặc có các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng, giảm thuế, phí cho những doanh nghiệp tiên phong…
Đồng thời, Nhà nước cũng cần thúc đẩy các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon, tạo nguồn lực cho doanh nghiệp khi bước vào cuộc chơi bắt buộc. Ngoài ra, chuyển đổi xanh cần một nguồn vốn lớn nên tín dụng xanh là hết sức cần thiết.
Với những dự án xanh, tạo ra được tín chỉ carbon, các ngân hàng, định chế tài chính cần đóng vai trò “bơm” vốn với những điều kiện cởi mở hơn để DN chuyển đổi xanh nhanh hơn, sớm hơn vì lợi ích chung của cả cộng đồng.
Cần nền tảng theo dõi phát thải
Tín chỉ carbon của doanh nghiệp nên được triển khai mạnh mẽ hơn nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng về kế hoạch, đường hướng có phù hợp với từng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần cam kết với mục tiêu giảm phát thải hướng tới Net Zero với một mốc thời gian cụ thể, thông qua việc xác định các chỉ tiêu phù hợp, tạo ra các kế hoạch chi tiết.
Trong đó, cần tập trung vào việc tìm kiếm các cải tiến công nghệ tiên tiến hơn, chuyển dịch năng lượng tái tạo như điện mặt trời và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tham gia thị trường tín chỉ carbon…
Cũng cần nền tảng theo dõi. Việc có các phương pháp luận kiểm kê lượng khí thải sẽ giúp cho doanh nghiệp cụ thể hóa được quá trình triển khai của mình cũng như có những thay đổi, chỉnh sửa cần thiết kịp thời.
Theo Tuổi trẻ