Sầu riêng Musang King tiếp tục rớt giá
Mỗi kg sầu riêng Musang King tại vườn giảm gần một nửa so với năm ngoái, về 80.000 đồng.
Musang King – giống sầu riêng ngon nhất thế giới – từng được bán ở Việt Nam với giá 1,5 triệu đồng một kg khi nhập từ Malaysia. Vài năm gần đây, nhờ người Việt tự canh tác, loại sầu này giảm xuống còn vài trăm nghìn đồng một kg. Năm nay, loại sầu riêng này tiếp tục rớt giá.
Chị Mai ở Đăk Lăk sở hữu 100 cây sầu riêng 7 năm tuổi, thu hoạch được 2,5 tấn, trái nhỏ từ 1,2-2,5kg. Sản lượng này thấp hơn 5-6 lần so với giống sầu Monthong và Ri 6.
“Tôi bán cả vườn chỉ 80.000 đồng một kg, giảm 46% so với năm ngoái. Trong khi đó, Monthong được thương lái chốt giá 95.000 đồng”, chị Mai nói.
Chị Kiều Oanh, chủ vườn ở Tiền Giang cũng cho biết, lợi nhuận từ Musang King thua xa Ri 6 do sản lượng thấp và giá giảm sâu. “Chi phí chăm sóc cao, mỗi cây cho năng suất khoảng 50 kg, trong khi Ri 6 đạt 100-250 kg”, chị Oanh chia sẻ.
Nhiều hộ trồng ở Đăk Lăk, Cần Thơ, Tiền Giang cũng gặp khó khăn tương tự. Họ dự định bỏ trồng giống sầu này, chuyển sang Monthong và Ri 6 sau khi thua lỗ hàng tỷ đồng.
Giá bán lẻ sầu Musang King cũng giảm một nửa so với năm ngoái. Trái mini nặng 1-1,2 kg được bán 120.000-140.000 đồng một trái. Hàng loại A (2.7 hộc, nặng 2,5-4kg) khoảng 150.000-180.000 đồng một kg, trong khi loại đã tách vỏ 380.000-400.000 đồng một kg.
Lý giải việc loại sầu từng được coi là đắt nhất thế giới hiện rớt giá sâu, chị Thanh Huyền – thương lái ở quận 2 (TP HCM), cho biết một phần do chất lượng giống này không đồng đều, nhiều trái bị nhão, sượng do mưa.
“Tôi bán 3 loại sầu nhưng sản lượng Musang King thấp, chỉ bằng 1/4 các loại khác. Có đợt, hàng tồn quá 3 ngày, giảm độ tươi, chất lượng nên buộc phải hạ giá hết cỡ để cắt lỗ”, chi nói.
Anh Thành – thương lái thu mua sầu riêng, cho biết Musang King chủ yếu bán trong nước, còn Monthong được ưa chuộng tại thị trường xuất khẩu nhờ chất lượng vượt trội nên giá cao.
“Tôi thu mua Musang King bán cho các cửa hàng trái cây trong nước vì khó xuất khẩu”, anh Thành nói.
Ông Vũ Đức Côn – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đăk Lăk – cho rằng diện tích trồng Musang King tại Việt Nam rất nhỏ, chủ yếu tự phát, khó liên kết đầu ra. Giống sầu này thu hoạch tốt nhất từ năm thứ 10, trong khi tại Việt Nam cây chủ yếu 4-7 năm đã bán thương phẩm, nên chất lượng chưa ổn định.
Musang King là loại sầu riêng cao cấp của Malaysia, chúng là giống khó trồng, nên phải được canh tác riêng, mới có năng suất ổn định.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho rằng kỹ thuật trồng và quy trình chăm sóc sầu riêng của nông dân Việt Nam cần được cải tiến. Theo ông, Malaysia áp dụng phương pháp thu hoạch bằng cách giăng lưới khu vườn, chờ trái chín rụng tự nhiên rồi thu gom và chế biến ngay tại chỗ. Sản phẩm nhờ đó vẫn giữ được tươi, ngon. Trong khi đó, ở Việt Nam, thói quen cắt trái còn treo trên cây, dẫn đến chất lượng sản phẩm không như mong đợi.
Để cải thiện tình trạng này, ông Nguyên đề xuất các nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng học hỏi và áp dụng các quy trình kỹ thuật từ Malaysia. Việc này nhằm sản xuất ra những trái sầu chất lượng cao và đa dạng sản phẩm trên thị trường, thay vì phải vứt bỏ.
Ông Côn cũng góp ý Cục trồng trọt cần nghiên cứu các vùng đất có điều kiện thuận lợi để trồng Musang King. Từ đó, nhà chức trách hướng dẫn, dự báo và quy hoạch vùng trồng, tối ưu quản lý sản xuất và tiêu thụ.