Tín chỉ carbon là gì? Đối tượng nào được phép tham gia thị trường carbon tại Việt Nam?
Công ty tôi muốn giao dịch về tín chỉ carbon nhưng không biết công ty thuộc trường hợp nào thì được phép giao dịch, tham gia vào thị trường carbon tại Việt Nam? Mong được giải đáp!
Tín chỉ carbon là gì?
Căn cứ khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về tín chỉ carbon như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
35. Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.
…
Như vậy, tín chỉ carbon là một chứng nhận thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tương đương, chứng nhận này có thể dùng để trao đổi buôn bán.
Tại Việt Nam, hiện nay đã có một sàn giao dịch tín chỉ carbon là sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn.
Đối tượng nào được phép tham gia thị trường carbon tại Việt Nam?
Căn cứ Điều 16 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về đối tượng được phép tham gia thị trường carbon tại Việt Nam như sau:
Đối tượng tham gia thị trường các-bon trong nước
1. Cơ sở thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này.
2. Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.
Như vậy, tại Việt Nam có các đối tượng sau đây sẽ được phép tham gia thị trường carbon, bao gồm:
– Cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
– Tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế phù hợp với quy định;
– Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trên thị trường carbon.
Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon tại Việt Nam hiện nay được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon tại Việt Nam hiện nay như sau
Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước
1. Giai đoạn đến hết năm 2027
a) Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon;
b) Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
c) Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;
d) Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.
2. Giai đoạn từ năm 2028
a) Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028;
b) Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.
Như vậy, kể từ năm 2025, cơ quan có thẩm quyền phải hoàn thành việc thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và tổ chức vận hành chính thức trong năm 2028.
Bên cạnh đó, từ nay đến hết năm 2027, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon và xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Triển khai thí điểm và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon tại Việt Nam và nước ngoài phù hợp.
Ngoài ra, từ năm 2028 phải có quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Trân trọng!
Theo Thưvienphapluat