Xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Ông Nguyễn Tuấn Quang - phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết sau khi chăm chú lắng nghe các bài tham luận, ông cảm thấy rất hữu ích cho bộ trong việc xây dựng và hoạch định các chính sách, đảm bảo tính thực tiễn của các chính sách thời gian tới.

Ông Tuấn Quang cho rằng biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và bắt buộc các thành phần kinh tế cùng chung tay giải quyết. Để đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các định chế tài chính, ông Tuấn Quang cho biết Việt Nam xác định có 5 biện pháp chính.

Ông Nguyễn Tuấn Quang - phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Tuấn Quang – phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đầu tiên là chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch… Thứ hai là nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, nông nghiệp. Thứ ba là tăng tỉ lệ hấp thụ rừng và các hệ sinh thái.

Thứ tư, áp dụng các biện pháp, thu giữ và chôn lấp carbon, biện pháp này tốn kém so với các cách thức khác. Cuối cùng mới đến định giá carbon, trong đó gồm thuế carbon và phát triển thị trường carbon. Hiện 70 quốc gia, lãnh thổ đang áp dụng cơ chế thị trường carbon, kiểm soát 23% tổng lượng phát thải toàn cầu.

Đối với thị trường carbon, có hai loại thị trường gồm thị trường carbon tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện, trong đó thị trường carbon tự nguyện có nhiều cơ chế khác nhau.

“Với thị trường tín chỉ carbon, điều kiện cần có một tín chỉ là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong khi đó điều kiện đủ là phải đảm bảo tính bổ sung. Tín chỉ cũng phải có tiêu chuẩn và gắn với từng cơ chế nhất định”, ông Tuấn Quang giải thích thêm.

Liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, ông Tuấn Quang cho biết đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương, muốn giao dịch phải đảm bảo mục tiêu phát thải khí nhà kính của quốc gia. Như trường hợp tín chỉ rừng ở Bắc Trung Bộ, phải có cơ chế 95% kết quả chuyển nhượng được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC).

Thị trường carbon của Việt Nam vẫn đang thực hiện giao dịch tự nguyện theo các tiêu chí quốc tế khác nhau. Và cơ chế tín chỉ trong nước vẫn đang được xây dựng theo lộ trình. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Cánh đồng lúa ở xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cùng với đề án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng nghị định mới, đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam có lợi. Dự kiến tháng 7-2024, bộ sẽ trình nghị định này, quy định rõ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon, phê duyệt, ban hàng… đảm bảo lượng tín chỉ carbon có lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước.

“Điều quan trọng là cần có thông tin truyền tải một cách đầy đủ, chính xác từ các cơ quan quản lý nhà nước để thực thi tốt. Và để làm được điều này, cần có vai trò của báo Tuổi Trẻ thông qua các hội thảo để làm cầu nối với các bên khác.

Hội thảo hôm nay chỉ là sự kiện trong chuỗi hoạt động, sự kiện khác trong chương trình Việt Nam Xanh. Những ý kiến trao đổi của doanh nghiệp, chuyên gia được ghi nhận và đẩy mạnh tuyên truyền đề các doanh nghiệp hiểu đúng về giảm phát thải khí nhà kín và tín chỉ carbon”, phó cục trưởng nhấn mạnh.

Bình luận

*

  • Mới nhất
  • Đọc nhiều nhất
Biến việc thực hành ESG thành công cụ xây dựng thương hiệu bền vững

BẠN ĐỌC HỎI - BẠN ĐỌC TRẢ LỜI