Xu hướng mặc cổ phục của giới trẻ Việt
Nhiều bạn trẻ hiện nay thích sưu tầm cổ phục Việt để mặc chụp ảnh kỷ yếu, đi làm hàng ngày, đi chơi Tết.
Trong lễ tốt nghiệp đầu tháng 7 tại Trường cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, Đặng Kim Ly mặc áo cử nhân, kết hợp phụ kiện mô phỏng vân kiên – loại trang sức bằng vải giúp bảo vệ cổ áo và vai của triều Nguyễn. Cô gái Thái Nguyên sinh năm 2003 muốn tạo sự khác biệt khi chụp ảnh kỷ yếu với các bạn cùng lớp. Cô còn sáng tạo thêm bằng cách chọn mũ cử nhân đính hoa, thuê ở cửa hàng.
Kim Ly cho biết yêu và sưu tầm cổ phục Việt tám năm qua. “Vì đi học, số tiền dành dụm được ít ỏi, chỉ đủ cho tôi mua khoảng bảy bộ, trong đó bộ rẻ nhất 900.000 đồng, đắt nhất là 2 triệu đồng”, cô nói. Khi mặc, Kim Ly thấy tự hào, phong thái nghiêm chỉnh và đằm hơn.
Cũng trong buổi chụp ảnh kỷ niệm cuối cấp, Nguyễn Thái Hương (trường Trương Vĩnh Ký, Đồng Nai) cho biết được thầy cô khen khi đeo vân kiên. Cô nói thấy trang phục đẹp và phù hợp nên lựa chọn.
Cổ phục Việt là thuật ngữ chung về trang phục truyền thống Việt Nam như áo giao lĩnh, áo nhật bình, áo ngũ thân. Trước đây, kiểu quần áo này ít được người trẻ quan tâm, hầu như chỉ xuất hiện trên sân khấu, lễ hội. Khoảng sáu năm trở lại đây, món đồ trở thành xu hướng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Một bộ tùy kiểu dáng và chất liệu có giá mua dao động từ 600.000 đến 5 triệu đồng, giá thuê vài trăm nghìn đồng.
Không chỉ chụp kỷ yếu, nhiều người còn diện trang phục này khi dạo phố, trong các dịp lễ Tết, chụp ảnh cưới. Đặng Kim Ly cho biết nhiều người quen của cô là nam giới còn mặc cổ phục đi làm hàng ngày. Hoàng Minh Phong, du học sinh Anh, nói: “Em và nhiều bạn mua để mang sang nước ngoài. Vì chúng em nghĩ rằng trang phục truyền thống của nước mình đẹp như thế, tại sao lại không mặc để ghi dấu ấn khác biệt trong mắt bạn bè quốc tế”.
Đại diện một studio nổi tiếng ở Hà Nội cho biết khoảng hai năm nay, số lượng khách hàng tìm đến và yêu cầu chụp ảnh với cổ phục ngày một tăng. Tại một tiệm cho thuê đồ ở TP HCM, cứ 10 khách đăng ký chụp ảnh thì có khoảng bảy đôi muốn chụp với đồ truyền thống. Chu Thanh Huyền, sinh năm 2000, từng đặt nhà thiết kế Hà Cúc may đồ chụp ảnh cưới với cầu thủ Quang Hải năm ngoái, lấy cảm hứng từ trang phục của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.
Trên các fanpage ở Facebook, nhiều bạn trẻ lập ra nhóm về cổ phục như Việt Phục Hội, Đại Việt Cổ Phong, để thể hiện tình yêu với trang phục Việt Nam thời xưa như: Áo đối khâm thời Lý – Trần, áo giao lĩnh thời Lý – Trần – Lê, áo tấc và áo nhật bình thời Nguyễn, áo ngũ thân.
Ngoài trao đổi kiến thức, các fanpage là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, tư vấn và trao đổi sản phẩm. Nhiều người đăng bài viết: “Cần bán lại áo ngũ thân năm tuyền. Mua 2 triệu mặc hai lần”, “Mình cần gợi ý kiểu dáng túi xách phù hợp với áo tấc”, “Mọi người nghĩ may ngũ thân tay chẽn bằng chất liệu nào thì sẽ tiết kiệm chi phí và phù hợp để mặc hàng ngày?”, “Mình cần tìm bên may áo yếm và giao lĩnh thời Lê Trung Hưng, chấp nhận giá cao nhưng phải chất lượng”. Nhiều 9x còn nhanh nhạy khởi nghiệp bằng nghề cho thuê trang phục truyền thống.
Họa sĩ Trịnh Quang Vũ – nhà nghiên cứu trang phục cổ qua các triều đại Phong kiến Việt Nam – lý giải về xu hướng: “Thứ nhất, trong mắt thế hệ trẻ hiện nay, cổ phục mang nét đẹp lạ, kích thích sự tò mò. Thứ hai, xã hội phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa là tất yếu. Khi đời sống ngày càng văn minh, con người ngày càng hoàn thiện về trí tuệ, ắt sẽ tìm về giá trị truyền thống – những thứ bền vững, sâu sắc, là giá trị cốt lõi tạo nên bản sắc của một dân tộc”.
Theo Đức Huy, 30 tuổi, chủ tiệm Đông Phong chuyên may đo trang phục truyền thống ở Hà Nội, sự xuất hiện của cuốn sách Ngàn năm áo mũ (tác giả Trần Quang Đức) năm 2013 cũng góp phần mở đường cho xu hướng này phát triển.
“Trước đó, có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử trang phục Việt, nhưng cách trình bày và quảng bá còn hạn chế nên nhiều người trẻ chưa biết tới. Trong khi đó, tác phẩm mới có lối trình bày dễ hiểu, sinh động hơn, lại được giới thiệu rộng rãi trên mạng xã hội nên giới trẻ có cơ hội tiếp cận với lịch sử văn hóa và thêm yêu mến”, Đức Huy nói.
Bên cạnh đó, sự ra đời của các sản phẩm giải trí sử dụng trang phục xưa như phim Phượng Khấu, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy, MV Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh, MV Mặt trăng của Bùi Lan Hương cũng tác động đến sở thích này của gen Z.
Mặc cổ phục thế nào cho phù hợp là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đăng ảnh diện đồ cùng sneakers, xách túi hiện đại, đeo kính râm, các loại vòng phá cách. Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ cho biết ông ủng hộ cách kết hợp này. “Trang phục truyền thống luôn vận động, hòa nhập theo sự phát triển của mỗi thời kỳ. Ở mỗi thời điểm, ta đều có thể áp dụng linh hoạt món đồ này trong đời sống, miễn là dáng áo đó vẫn là ngũ thân, áo tấc, áo giao lĩnh”, ông nói. Nhà thiết kế Vũ Việt Hà đồng tình, gọi đó là “sự sáng tạo phù hợp với hơi thở đương đại”.
Cả hai cùng cho rằng điểm tối kỵ cần tránh là không mặc chung trang phục truyền thống của các nước trên cùng một tổng thể. “Ví dụ, ta không thể mặc áo nhật bình với quạt cầm tay kiểu truyền thống Trung Quốc. Điều đó có thể khiến nhiều người nhầm lẫn, hiểu sai về trang phục truyền thống xưa của người Việt, từ đó dẫn đến sai lệch văn hóa, lịch sử”, Vũ Việt Hà nói.
Hiện nhiều chủ tiệm may đo hoặc shop cho thuê tự ý biến tấu, thay đổi tỷ lệ, lắp ghép các chi tiết không cần thiết, khiến nhiều khách hàng mặc sai. Vũ Việt Hà cho rằng mỗi người cần trang bị kiến thức để chọn được cổ phục đúng phom dáng, kiểu cách của từng thời kỳ. Ông Trịnh Quang Vũ gợi ý khán giả tham khảo tư liệu ở nhiều cuốn sách uy tín như Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam, Trang Phục Triều Lê – Trịnh, Lược sử Mỹ thuật Việt Nam. Theo ông, khi trang bị các kiến thức nền về trang phục dân tộc, dựa vào một số đặc điểm, mọi người có thể nhận biết cổ phục Việt một cách cơ bản.