Lùm xùm chọn giám khảo các cuộc thi nhan sắc: Ai đủ “trình” chấm hoa hậu?
Lùm xùm vì chiếc “ghế nóng”
Những ngày qua, chiếc “ghế nóng” của Miss Universe Vietnam bỗng trở thành tâm điểm chú ý của khán giả với những chia sẻ ẩn ý từ người mẫu Hoàng Thùy.
Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 cho biết cô được ngỏ lời mời làm giám khảo của Miss Universe Vietnam, tuy nhiên sau đó nhận được thông báo hủy vì lý do không đủ năng lực và ẩn ý bị “chèn ép”.
Về phía Miss Universe Vietnam, nhà sản xuất kiêm giám khảo Dược sĩ Tiến xác nhận anh là người đã từ chối Hoàng Thùy, vì 3 nguyên nhân: Chủ tịch cuộc thi mời Hoàng Thùy làm giám khảo nhưng chưa thông qua hội đồng, Hoàng Thùy bị nhiều người từ chối làm việc cùng và mùa thi năm nay có sự góp mặt của nhiều thí sinh mà “ở tầm của Hoàng Thùy chưa đủ trình để chấm họ”.
Sự việc hiện vẫn chưa ngã ngũ. Đông đảo dân mạng bày tỏ sự ngán ngẩm trước những màn lời qua tiếng lại giữa các bên. Đây cũng không phải lần đầu tiên các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam vướng lùm xùm thiếu chuyên nghiệp liên quan đến việc chọn thành viên Ban giám khảo.
Vậy một người như thế nào thì xứng đáng ngồi “ghế nóng” cuộc thi hoa hậu?
Trường hợp của Hoàng Thùy, một số khán giả cho rằng cô từng đạt Á hậu 1 của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, vào top 20 tại Miss Universe, tham gia làm huấn luyện viên, trình diễn cho nhiều sân khấu lớn… nên hoàn toàn đủ khả năng ngồi “ghế nóng” cuộc thi nhan sắc.
Bên cạnh đó, khán giả cũng đặt ngược câu hỏi về khả năng, trình độ chuyên môn của Dược sĩ Tiến khi anh đảm nhận vai trò nhà sản xuất kiêm giám khảo của Miss Universe Vietnam 2024.
Tại các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu, hội đồng giám khảo là những thành viên vô cùng quan trọng để “cầm cân nảy mực”, chọn ra thí sinh xuất sắc, xứng đáng đăng quang. Tuy nhiên, không phải vị giám khảo nào cũng thuyết phục công chúng khi ngồi ở vị trí “ghế nóng”.
Điển hình như trường hợp của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi được mời làm giám khảo Miss World Vietnam 2019 và Miss World Vietnam 2021. Nhiều người cho rằng mời một ca sĩ chấm thi hoa hậu là… không phù hợp.
Năm 2022, Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc cũng bị một bộ phận khán giả phản đối khi đảm nhận cương vị “cầm cân nảy mực” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Thời điểm đó, cô mới hoạt động showbiz được vài tháng, chưa có nhiều kinh nghiệm. Do đó, việc cô giữ vị trí giám khảo bị đặt dấu chấm hỏi lớn về năng lực lẫn hiệu quả công việc.
Tương tự, một số hoa hậu trẻ như Tiểu Vy, Lương Thùy Linh… cũng từng nhận những ý kiến trái chiều vì ngồi ghế giám khảo. Thậm chí, siêu mẫu Vũ Thu Phương cũng bị chỉ trích khi làm giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 vì bị cho chưa đủ chuyên môn, chưa bám sát tiêu chí chọn hoa hậu thi quốc tế.
Ngoài ra, ở một số cuộc thi, giám khảo lại là người trong các ngành nghề như MC, diễn viên, luật sư… khiến khán giả nghi ngờ năng lực chuyên môn, cho rằng họ… ngồi nhầm chỗ.
Ai đủ “trình” chấm thi nhan sắc?
Tiêu chí lựa chọn hoa hậu thường được đưa ra rõ ràng tại mỗi cuộc thi. Tuy nhiên, tiêu chí chọn Ban giám khảo lại rất mơ hồ. Nhiều khán giả nhận định vị trí giám khảo rất quan trọng vì họ góp phần chọn ra người xứng đáng đăng quang. Vì vậy, Ban Tổ chức mỗi cuộc thi phải cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng để mời người phù hợp cho vị trí này.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Phạm Duy Khánh – đạo diễn, nhà sản xuất kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Hội người mẫu Việt Nam – cho biết mỗi cuộc thi nhan sắc sẽ có những tiêu chí riêng trong việc lựa chọn giám khảo chấm thi.
“Thông thường, các cuộc thi sắc đẹp sẽ lựa chọn những người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghệ thuật và sắc đẹp ở trong nước lẫn quốc tế. Mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng, qua đó Ban Tổ chức sẽ lựa chọn giám khảo sao cho phù hợp”, ông Khánh cho hay.
Nhà báo Ngô Bá Lục cũng khẳng định mỗi cuộc thi nhan sắc có những tiêu chí riêng, từ đó Ban Tổ chức sẽ mời giám khảo phù hợp.
“Tuy nhiên, giám khảo cuộc thi nhan sắc phải có sự nhạy cảm mang tính dự đoán và cái nhìn tinh tế về vẻ đẹp, ở đây là sự thẩm định thông qua kinh nghiệm, trải nghiệm và những kiến thức đủ để đánh giá một cô gái đẹp, về ngoại hình, trình độ văn hóa, nhận thức, hiểu biết xã hội, ngoại ngữ, tài năng, kỹ năng giao tiếp, ứng xử… của cô gái ấy.
Thế nên, những người hoạt động lâu năm trong showbiz như nhà thiết kế thời trang, nhà sản xuất các chương trình về sắc đẹp, nhà báo chuyên về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, chuyên gia nhân trắc học, nhà xã hội học, chuyên gia trang điểm, hoa hậu, người mẫu, đạo diễn… là những đối tượng thường được mời vào vị trí giám khảo”, ông Ngô Bá Lục chia sẻ.
Chuyên gia Ngô Bá Lục cũng cho biết thêm, tiêu chí tuổi tác không phải là yếu tố quan trọng nhất bởi “người trẻ cũng có ưu thế riêng chứ không cứ là người thâm niên mới đủ trình thẩm định một cô gái tham gia thi sắc đẹp”.
“Nghề nghiệp cũng không hẳn là yếu tố để quyết định xem người đó có hợp vai trò giám khảo hay không. Cá nhân tôi nhiều lần ngồi chấm thi với Hoa hậu Lương Thùy Linh và Đỗ Hà, tôi thấy các cô ấy thực sự giỏi, thông minh và có kinh nghiệm “nhìn người”.
Tất nhiên, nhiều cuộc thi gần đây có hiện tượng Ban Tổ chức cài “gà nhà”, “người quen”, ê-kíp của mình vào hội đồng Ban giám khảo mà những người này chưa có kinh nghiệm hoặc không đủ trình độ để thẩm định thí sinh, gây ra nhiều bức xúc cho khán giả. Những cuộc thi như thế sẽ không thể tồn tại lâu dài bởi khán giả bây giờ rất thông minh”, ông Ngô Bá Lục nhận định.
Trước câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc để một người ngồi vào ghế giám khảo của một cuộc thi nhan sắc thì người đó cần có sự đồng thuận của tất cả giám khảo còn lại hay không hay Ban Tổ chức sẽ quyết định, ông Ngô Bá Lục cho biết dựa vào kinh nghiệm thực tế của ông, ông chưa thấy cuộc thi nào mà ông tham gia, có tình trạng “Ban Tổ chức mời ai thì phải thông qua các thành viên giám khảo khác”.
“Tôi bắt đầu làm công việc giám khảo từ Giải thưởng người mẫu Việt Nam 2006, 2008 cho đến nay là 18 năm và năm nào cũng chấm vài cuộc thi từ âm nhạc, MC đến hoa hậu, hoa khôi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tôi cũng chưa thấy cuộc thi nào (mà tôi tham gia) có chuyện Ban Tổ chức mời ai thì phải thông qua các thành viên giám khảo khác và tất cả đồng ý thì Ban Tổ chức mới được mời.
Những cuộc thi tôi chấm, tôi chỉ nhận được lời mời của Ban Tổ chức (có thể ký hợp đồng hoặc không ký hợp đồng), họ cũng không nói rằng Ban giám khảo gồm những ai. Chúng tôi thường làm việc độc lập với Ban Tổ chức, chỉ đến khi nào chính thức bước vào cuộc thi, đặc biệt là cuộc họp đầu tiên, thì mọi người mới được biết hội đồng giám khảo gồm những ai.
Trong suốt quá trình chấm, các giám khảo làm việc độc lập, sau đó sẽ họp để thông qua bảng điểm và có cân nhắc một số trường hợp bằng điểm nhau”, ông Ngô Bá Lục giải thích.
Dù vậy, chuyên gia Ngô Bá Lục nhấn mạnh thêm, ở mỗi cuộc thi, mỗi nhà sản xuất và tổ chức sẽ có cách làm riêng.
“Đặc biệt khi nền công nghiệp giải trí ngày càng phát triển và chuyên nghiệp, những cuộc thi được các doanh nghiệp hoặc cá nhân bỏ tiền ra đầu tư thì họ thường là người quyết định hầu hết mọi việc.
Vậy nên việc mời giám khảo độc lập hay phải thông qua các giám khảo khác là chuyện thuộc về cách làm của mỗi cuộc thi, mình tham gia cuộc chơi nào thì phải chấp nhận luật chơi của cuộc đó”, chuyên gia cho hay.
Phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc Ban Tổ chức các cuộc thi nhan sắc làm thế nào để quá trình chấm thi diễn ra chuyên nghiệp, không xảy ra các tình huống xích mích, đấu tố chèn ép giữa các giám khảo với nhau. Chuyên gia Ngô Bá Lục cho rằng một giám khảo chuyên nghiệp “sẽ là người thực hiện tuyệt đối các quy tắc, tiêu chí của cuộc thi”.
“Mỗi giám khảo sẽ làm việc độc lập bằng góc nhìn và những kinh nghiệm, trải nghiệm của mình để lựa chọn các thí sinh phù hợp với tiêu chí mà Ban Tổ chức đã đề ra đồng thời tôn trọng ý kiến, quan điểm của các giám khảo khác.
Với nghề nghiệp chuyên môn cũng như kiến thức, kinh nghiệm của mỗi người, họ sẽ có cách thẩm định riêng biệt, sau đó họ chấm điểm theo thang điểm của Ban Tổ chức. Các thí sinh được tổng điểm cao, là những người gần như nhận được sự đánh giá cao của hầu hết thành viên Ban giám khảo.
Để tránh những rắc rối không đáng có, Ban Tổ chức cần có nội quy, quy chế rõ ràng, chi tiết và trước khi quyết định mời ai đó hoặc làm việc gì đó thì cần có sự trao đổi, họp hành với toàn bộ ê-kíp theo đúng trình tự cũng như vai trò của từng thành viên, từ đó thống nhất mọi vấn đề rồi mới chính thức công bố và thực hiện”, ông Ngô Bá Lục cho biết thêm.